Chiến thuật Ngựa trong chiến tranh ở Đông Á

Chiến thuật sử dụng ngựa ở phương Đông khá đa dạng và phong phú trong đó những đóng góp tiêu biểu là sử dụng chiến thuật xe ngựa, sử dụng thế trận kỵ binh, chiến thuật kỵ xạ và liên hoàn giáp mã, đây là những chiến thuật tạo sức đột phá mạnh mẽ trên chiến trường thời cổ.

Chiến xa

Bài chi tiết: Xe ngựa chiến
Tranh vẽ chiến xa đang chở một viên tướng Trung QuốcTượng về chiến xa đời nhà Tần (Tần Thủy Hoàng)

Ở Trung Hoa lúc đầu người ta chỉ dùng ngựa để kéo xe và có lẽ những chiếc xe ngựa đầu tiên cũng từ những người du mục ở quan ngoại đem vào mà những dân tộc này rất có thể cũng bắt chước những giống dân từ Trung Á hay Bắc Phi. Cỗ xe ngựa đầu tiên người ta đào thấy thuộc về đời Thương (khoảng 1600 – 1100 trước CN). Nhưng có thể xe ngựa có từ vài trăm năm trước đó mặc dù không còn di tích gì. Cỗ xe này tương tự như những cỗ xe tìm thấy ở Hắc Hải (biển Đen) và Lý Hải (biển Caspian), và ngoài ra cũng tìm thấy nhiều khí giới ở chung quanh khiến người ta cho rằng xe này là một loại chiến xa chứ không phải dùng để chuyên chở không.

Những con ngựa thời cổ Trung Hoa cao chừng 133 đến 143 cm, đầu to, xương thô giống như giống ngựa hoang ở Trung Á ngày nay. Thời đó người ta thắng ngựa dọc theo một cái càng ở giữa và dùng một loại ách (yoke) để kềm ngựa lại vì họ chưa biết cách buộc ngựa bằng cổ và đai (throat-and-girth type harness). Cũng có người cho rằng chiến xa được du nhập khi người Trung Hoa giao chiến với các bộ lạc ở miền Bắc.

Muốn sử dụng ngựa trong trận mạc, nhất là kéo các chiến xa thì trước hết người ta phải thủ đắc được thuật huấn luyện ngựa, biết cách nuôi và trị bệnh cho những con vật, biết cách điều khiển và thắng cương, chế tạo bánh xe. Những kỹ thuật đó đòi hỏi một thời gian dài trước khi có thể sử dụng chiến xa. Cũng có thể có những trao đổi kỹ thuật vì ngay từ thời cổ, giới quý tộc các nước vẫn thường kết hôn như một hình thức hòa hiếu và việc trao đổi dụng cụ, tặng phẩm hay kỹ thuật có thể kèm theo.

Chiến xa thường thường dùng hai hay bốn ngựa, điều khiển đã cồng kềnh lại bất tiện vì chỉ có thể sử dụng tại những vùng bình nguyên rộng rãi, khô ráo và bằng phẳng chứ không thể dùng tại những vùng núi đồi hay ẩm thấp. Chiến xa lại dễ bị lộ, dễ bị tấn công và phá hủy, chưa kể người ngồi trên xe có khi mất mạng vì chính phương tiện của mình một khi bị địch quân phát hiện. Do đó về phương diện chiến đấu thực sự, chiến xa không phải là một phát minh vĩ đại như chúng ta thấy trong các phim ảnh mà có thể nói chỉ là đồ trang sức để tăng thêm uy nghi cho tướng lãnh.

Ngay từ thời Chiến Quốc, người Trung Hoa đã dùng đến kỵ binh và nhiều chư hầu đã học hỏi phương pháp chiến đấu của người Hung Nô. Một trong những điểm nổi bật của thời kỳ này là khi nhà Chu lật đổ nhà Thương, họ đã dùng chiến xa như một vũ khí chiến lược và nhờ đó họ có ưu thắng về quân sự. Chiến xa không những nhanh hơn mà còn có thể sử dụng trong việc chuyển quân, chuyển lương thực vũ khí. Chính vì thế họ đã sử dụng nhiều chiến lược chiến thuật mới và đã đánh bại được đối phương mặc dầu lực lượng ít hơn.

Vì sử dụng chiến xa mà thanh kiếm đã được cải thiện và loại hai lưỡi (double-edged) đã được thay thế bằng những loại chủy thủ ngắn hơn, tương tự như dao găm, và dùng dáo dài là vũ khí chính yếu. Mặc dù ngay trong Tôn Tử binh pháp đã có nhắc đến việc sử dụng chiến xa nhưng phải đến Tôn Tẫn binh pháp đã nhắc đến một cách khá chi tiết (chương 7, 18) và nhấn mạnh vào sự quan trọng của nó đối với vấn đề quân sự. Chiến xa trở thành lỗi thời trong thời kỳ Chiến Quốc, lý do chính là sự phát minh ra nỏ và sự ra đời của kỵ binh bắn tên, những thứ có hiệu quả hơn. Ngay từ thời Chiến Quốc, kỵ binh đã được sử dụng như một vũ khí chiến lược vì có nhiều ưu điểm “kỵ binh có thể tản ra rồi hợp lại, phân tán rồi tập trung. Kỵ binh cũng có thể gom lại một điểm hẹn trước cách xa hàng trăm, có khi hàng nghìn dặm”.

Khinh kỵ

Bài chi tiết: Kỵ binh
Một khinh kỵ của Nhật Bản

Khinh kỵ binh hay khinh kỵ là đội quân cưỡi ngựa nhỏ, chạy nhanh và dẻo dai. Kỵ sĩ được trang bị nhẹ với vũ khí chủ yếu là kiếm, gươm, khiên, vũ khí cận chiến và cả cung tên. Khinh kỵ đặc biệt thích hợp cho những chiến thuật mang tính lưu động, đánh chặn sườn, quấy rối, đánh úp, do thám, truy đuổi và rút lui trong khoảng khắc đây là một chiến thuật khác xa với các đội kỵ binh hiệp sĩ nặng nề của châu Âu cùng thời. Quân đội Mông Cổ là một ví dụ điển hình cho lối đánh của khinh kỵ (mặc dù họ cũng có rất nhiều trọng kỵ).

Khi người du mục ở Trung Á biết kết hợp sức mạnh và lợi điểm của cây cung liên hợp (composite bow) với sức di động (mobility) của giống ngựa vùng mạc bắc, họ mới tạo thành được sức mạnh khủng khiếp để trở thành một đế quốc hùng mạnh vào thế kỷ 13, 14. Cho tới thế kỷ thứ 12, những bộ tộc du mục ở vùng Trung Á vẫn sống rời rạc. Chỉ đến khi Thiết Mộc Chân tức Thành Cát Tư Hãn kết tập họ lại dưới quyền chỉ huy duy nhất của ông vào đầu thế kỷ 13 thì người Mông Cổ mới trở thành một lực lượng quân sự khủng khiếp mà cái ưu điểm chính của họ là con ngựa và thuật kỵ mã.

Sử sách ghi lại rằng: “trăm quân kỵ tản ra có thể vây bọc vạn người, nghìn quân kỵ tản ra có thể dài đến trăm dặm. Khi thắng quân đến nhanh như từ trên trời rơi xuống, khi thua quân rút nhanh như chớp vậy". Sự linh hoạt đến đáng sợ của khinh kỵ Mông Cổ kết hợp với việc họ có thế hồi mã cung ưa thích của kỵ binh Mông Cổ. Trong trận chiến ở Wahlstadt quân Mông Cổ đã làm cho người Châu Âu bối rối vì kẻ địch bỗng nhiên xuất hiện ở khắp nơi và chẳng có đội hình nào cụ thể. Họ di chuyển lung tung không có kèn trận hay reo hò như các trận chiến ở Châu Âu mà các mệnh lệnh được truyền đạt bằng quân kì. Thậm chí ngay cả khi trận chiến đã bắt đầu người Châu Âu cũng không thể nắm rõ quân số chính xác của đội quân Mông Cổ mình đang đối đầu.

Kỵ xạ

Bài chi tiết: Kỵ xạ
Một kỵ xạ Nhật Bản

Kỵ xạ hay cưỡi ngựa bắn cung là một chiến thuật đặc trưng về cách đánh ngựa trong những cuộc chiến tranh ở vùng Đông Á, theo đó người chiến binh vừa cưỡi ngựa vừa bắn tên một cách chính xác. Đây là kỹ thuật khó, chỉ những võ tướng thiện nghệ hoặc một những người lính tinh nhuệ trong một đoàn quân mới thực hiện được. Tuy nhiên, chiến thuật này lại phổ biến ở những chiến binh du mục phương Bắc, đặc biệt là những chiến binh Hung Nô, Khiết Đan, Nữ Chân, Mãn ChâuMông Cổ. Đối với quân Mông Cổ, sức mạnh của lực lượng kỵ binh với khả năng bắn cung "bách phát bách trúng" là yếu tố nổi bật nhất. Người Mông Cổ phụ thuộc chủ yếu vào cung, và không thích cận chiến trên lưng ngựa.

Xuất phát từ nguồn gốc sống du mục trên các thảo nguyên nên người Mông Cổ có tài phi ngựa và bắn cung điêu luyện vô địch. Họ có thể bắn tên cực kì chính xác khi phóng ngựa nhanh và thậm chí có thể xoay người bắn ngược chính xác vào kẻ truy đuổi, đòn "hồi mã cung" được coi là đặc sản của đội quân Mông Cổ. Thông thường các binh sĩ phải tập luyện khả năng bắn cung khi phi ngựa nước đại với tốc độ khoảng 6 mũi trong vòng 1 phút. Sau này, người Mông Cổ cũng có bại trận dưới tay kỵ binh Mamluk. Người Mông Cổ cưỡi ngựa bắn tên xa cực tốt, quân Mamluk bắn tên không xa bằng nhưng họ bắn cực nhanh, một chiến binh Mamluk có thể bắn 3 mũi tên trong 1 giây rưỡi. Cả hai bên đều sống trên lưng ngựa từ bé. Khi còn là một đứa trẻ, các chiến binh đã học cách cưỡi ngựa và chiến đấu/bắn cung trên lưng ngựa.

Giáp mã

Liên hoàn giáp mã là thế trận quan trọng trong chiến tranh ở vùng Đông Á thời kỳ cổ xưa. Trong phép dùng mã chiến có phép: "liên hoàn giáp mã", theo phép đánh này thì người ta cho ngựa mang giáp sắt phủ kín hết thân mình, chỉ hở có đôi mắt, và cứ từ 5 đến 10 giáp mã thì sắp thành một hàng chữ "Nhất" (-). Trước ức ngựa có dắn một đòn cản đính con dao nhọn hoắt. Trân lưng mỗi con ngựa có một chiến binh mặc áo giáp, cầm dao hoặc cầm thương, mang cung tên, khi xông trận thì cho ngựa xông vào quân địch khiến cho đối phương hoảng loạn, tan rã hàng ngũ, thế rồi dùng dao thương, cung tên tiêu diệt.

Phép "liên hoàn giáp mã" chủ yếu uy hiếp tinh thần địch, đánh chọc thủng phòng tuyến quân thù và càn quét đối phương, công dụng như thiết giáp xa thời nay. Tuy nhiên phép "liên hoàn giáp mã" cũng có chỗ yếu của nó, là sự xoay chuyển khó khăn, di động chậm chạp. Để phá pháp "liên hoàn giáp mã" phải dùng câu liêm thương phối hợp với pháo lớn làm cho ngựa phải kinh hoàng phóng chạy, khi ấy chỉ dùng cân liêm thương móc vào chân ngựa. Cũng có thể dùng phép "lăn khiên" mà lăn tròn dưới mặt đất rồi dùng mã tấu chặt đứt chân ngựa.